Cần trang bị cho con trẻ những kỹ năng tài chính cá nhân nào? Có những bài học vỡ lòng nào về quản lý tài chính mà ba mẹ cần dạy con từ thuở nhỏ?
Dưới đây là 9 bài học tài chính vỡ lòng cho con để các bậc phụ huynh tham khảo và khéo léo dạy cho con
Bài học 1: ATM/Thẻ ngân hàng không sẵn tiền
Khi trẻ nhìn thấy tiền được lấy ra từ các cây ATM hoặc thấy bố mẹ sử dụng thẻ ngân hàng để mua hàng, chúng sẽ không nhận ra rằng tiền thực chất là 1 nguồn tài nguyên hữu hạn. Hãy giải thích cho trẻ rằng bạn phải làm việc để kiếm tiền, còn ngân hàng chỉ là nơi để giữ tiền an toàn.
Bài học 2: Tự quản lý tiền riêng
Cách tốt nhất để dạy trẻ quản lý tiền là cho chúng 1 khoản tiền. Nếu khoản tiền còn lại của trẻ sau khi chi tiêu không đủ để mua 1 đĩa DVD hay 1 đồ chơi mà chúng rất thích thì đó là 1 điều tốt: “Chúng sẽ bắt đầu thấy được hậu quả của việc bội chi”
Bài học 3: Sự chờ đợi đáng giá
Dạy trẻ về kìm hãm sự ham muốn sẽ giúp chống lại tâm lý “mua ngay bây giờ, thanh toán sau” mà có thể khiến chúng chìm sâu vào tình trạng nợ thẻ tín dụng sau này. Vì vậy, hãy thường xuyên dạy trẻ hiểu rằng mọi sự chờ đợi sẽ được đền đáp xứng đáng qua những câu chuyện nhỏ trong cuộc sống.
Bài học 4: Mua sắm khôn ngoan
Kiểm soát “cơn cuồng mua sắm” gắn liền với việc dạy trẻ kìm hãm sự ham muốn. Ví dụ: trước khi đi mua sắm hãy đặt ra 1 ngân sách nhất định. Lập danh sách các thứ con định mua, những cửa hàng nào sẽ đến, và giá có thể chi trả cho mỗi mặt hàng. Sau đó so sánh các giá online và các chương trình khuyến mại với nhau (hãy cho con bạn giữ phần tiết kiệm được). Con bạn sẽ học được rằng cần tạo thói quen lập kế hoạch trước khi mua bất kỳ thứ gì sẽ giúp chúng tiết kiệm được một khoản.
Bài học 5: Tạo thói quen tiết kiệm
Con gái bạn muốn có 1 con búp bê nhưng cô bé lại không có đủ tiền để mua. Hãy bảo con “tiết kiệm”. Khi con đã tiết kiệm đủ số tiền để mua, hãy dẫn con đến cửa hàng và để con tự tay trả tiền cho con búp bê đó. Con bạn sẽ không bao giờ quên cảm giác vui sướng khi cố gắng vì 1 mục tiêu nào đó và được đền đáp khi đạt được mục tiêu đó.
Bài học 6: Có sự ghi chép rõ ràng
Biết rõ tiền được tiêu vào việc gì là 1 bước quan trọng trong kỹ năng quản lý tiền của trẻ. Hãy cho con bạn 1 cuốn sổ hoặc sử dụng máy vi tính để ghi chép lại các khoản tiền của con. Tạo 1 hồ sơ mà con bạn có thể lưu trữ các biên lai và bản kê mua sắm. Đây cũng là một bước quan trọng giúp con có thói quen quản lý chi tiêu tốt.
Bài học 7: Lập danh sách chi tiêu
Hãy ngồi với con bạn và cùng con lập 1 danh sách những thứ mà con muốn làm với khoản tiền của con. Sau đó hãy giúp con sắp xếp thứ hạng cho những mong muốn đó bằng cách thảo luận xem mỗi mong muốn của con cần tiêu tốn bao nhiêu và có kế hoạch tiết kiệm. Quá trình này cũng giúp con hiểu được tính ứng dụng thực tế của việc học toán.
>>>Toán trí tuệ giúp rèn luyện khả năng tính toán của con
Bài học 8: Làm thế nào để tiết kiệm khôn ngoan nhất
Giới thiệu cho trẻ về những phương thức tiết kiệm sẽ giúp chúng sinh lời, ví dụ như tiền gửi tiết kiệm. Các bậc ba mẹ có thể tìm kiếm trên mạng cách tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở 1 vài ngân hàng và chỉ cho trẻ hiểu 1 đồng có thể sinh lời qua thời gian như thế nào. Con bạn chắc chắn sẽ rất ngạc nhiên! Chưa kể, đây cũng là cơ hội cho con thực hành các phép tính được học trong môn toán trên trường lớp.
Bài học 9: Chia sẻ
Và cuối cùng, hãy khuyến khích trẻ ủng hộ 1 phần số tiền tiết kiệm được để làm từ thiện. Điều này giúp trẻ hiểu tiền có thể giúp đỡ cho mọi người, chứ không phải chỉ để mua bán. Quan trọng hơn là con hiểu rằng: không quan trọng con cho đi bao nhiêu tiền – mỗi đồng tiền đều quý giá.